Bỏ qua để đến Nội dung

AI học đường là hành trình kiến tạo văn hóa học tập chủ động trong kỷ nguyên mới

2 tháng 7, 2025 bởi
AI học đường là hành trình kiến tạo văn hóa học tập chủ động trong kỷ nguyên mới
Karl Tran

Trong bối cảnh toàn cầu đang chứng kiến làn sóng trí tuệ nhân tạo (AI) lan rộng mạnh mẽ trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống kinh tế - xã hội, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để bứt phá, vươn mình trở thành quốc gia phát triển. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội này, điều kiện tiên quyết là phải chuẩn bị một thế hệ trẻ đủ năng lực thích ứng, sáng tạo và làm chủ những công nghệ mới. Và nơi chuẩn bị thế hệ ấy không đâu khác chính là nhà trường.

Việc đưa AI vào học đường không đơn thuần là đào tạo kỹ năng, mà là một cuộc chuyển đổi sâu rộng về tư duy giáo dục, về cách học, cách dạy và cách sống trong một thế giới mà con người và máy móc đang ngày càng cộng tác chặt chẽ. Nếu không được chuẩn bị kỹ lưỡng, chính thế hệ học sinh – tương lai của đất nước – sẽ trở thành những người bị động, lạc hậu hoặc lệ thuộc vào công nghệ thay vì làm chủ nó.

Trí tuệ nhân tạo đã và đang thay đổi căn bản nhiều lĩnh vực: từ sản xuất, y tế, giao thông đến truyền thông, tài chính và giáo dục. Các mô hình học máy, xử lý ngôn ngữ tự nhiên hay thị giác máy tính đã có thể thực hiện nhiều công việc từng được xem là độc quyền của con người như viết văn, giải toán, chẩn đoán bệnh, thậm chí làm thơ, vẽ tranh.

Trong giáo dục, AI có thể hỗ trợ cá nhân hóa việc học, giúp học sinh học theo nhịp độ riêng, phù hợp với năng lực cá nhân. Các hệ thống AI có thể theo dõi tiến trình học tập, gợi ý nội dung phù hợp, hỗ trợ đánh giá tự động, tiết kiệm thời gian cho giáo viên để họ tập trung vào các nhiệm vụ quan trọng hơn. Một số phần mềm học tập AI hiện nay còn có thể đóng vai trò là trợ giảng, giúp giải thích lại khái niệm, đưa ra ví dụ minh họa và phản hồi theo thời gian thực.

Nếu học sinh phổ thông ngày hôm nay không được tiếp cận AI một cách có định hướng và có tư duy phản biện, thì rất có thể mai sau họ sẽ bước vào thị trường lao động với tư thế thụ động – sử dụng công cụ mà không hiểu bản chất, bị dẫn dắt bởi công nghệ thay vì biết dẫn dắt công nghệ để phục vụ cuộc sống.

Một quan niệm sai lầm phổ biến hiện nay là coi AI như một "cỗ máy vạn năng", có thể thay thế trí tuệ con người. Thực tế, AI chỉ giỏi trong những công việc mang tính lặp lại, có mẫu hình rõ ràng và được huấn luyện bằng dữ liệu. Nó không thể thay thế được trực giác, cảm xúc, giá trị hay phán đoán đạo đức – những yếu tố cốt lõi trong tư duy con người.

Chính vì vậy, nếu học sinh được dạy rằng AI "biết tuốt, đúng tuốt", thì rất dễ rơi vào trạng thái lệ thuộc, không rèn luyện tư duy phân tích, không đặt câu hỏi, không phản biện. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm, bởi năng lực tư duy độc lập, sáng tạo và ra quyết định là những năng lực không thể thiếu của con người.

Một cách hình dung đơn giản nhưng hiệu quả: AI giống như một trợ lý rất xuất sắc – nó có thể ghi nhớ nhanh, tổng hợp tốt, phản hồi nhanh chóng – nhưng người ra quyết định vẫn phải là con người. Học sinh cần được học cách giao việc cho trợ lý, đặt yêu cầu rõ ràng, đánh giá kết quả và điều chỉnh khi cần. Nếu không, chính học sinh sẽ bị dẫn dắt bởi những câu trả lời có vẻ hợp lý nhưng thực chất chưa đầy đủ, sai lệch hoặc thiên kiến.

Việc đưa AI vào học đường không thể là câu chuyện "thấy hay thì áp dụng", "thấy phần mềm mới thì cài". Để tận dụng tối đa lợi ích của AI và tránh những tác hại tiềm ẩn, cần một chiến lược bài bản, phù hợp với từng độ tuổi, từng cấp học và từng năng lực tiếp nhận của học sinh.

Ở bậc tiểu học, học sinh cần được tiếp cận AI dưới dạng khám phá, chơi mà học, kích thích tò mò và sáng tạo. AI có thể hiện diện qua các công cụ đơn giản như chatbot hỏi đáp, ứng dụng kể chuyện tương tác, hay robot điều khiển bằng giọng nói. Tuy nhiên, giáo viên và phụ huynh cần đóng vai trò trung gian giải thích, giúp trẻ nhận ra AI là công cụ, không phải "người biết tất cả".

Ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông, khi học sinh đã có khả năng tư duy trừu tượng tốt hơn, AI có thể được tích hợp vào các môn học như ngữ văn (viết bài có AI hỗ trợ), toán học (giải bài toán và giải thích kết quả), tin học (làm quen với mô hình học máy), hay khoa học tự nhiên (phân tích dữ liệu thí nghiệm với sự hỗ trợ của AI). Tuy nhiên, việc ứng dụng cần có sự kiểm soát, ví dụ như mọi sản phẩm học tập có sự hỗ trợ từ AI đều cần đi kèm ghi nhận về quá trình sử dụng: học sinh đã hỏi gì, AI trả lời gì, học sinh chỉnh sửa thế nào và đánh giá ra sao.

Thay vì cấm đoán hoặc khuyến khích một cách mù quáng, giáo dục cần hình thành một phương pháp dạy và học với AI – nhấn mạnh vai trò chủ động của con người, yêu cầu minh bạch về nguồn thông tin, và rèn luyện khả năng đánh giá phản biện của người học.

Chúng ta vẫn thường nói: AI là công cụ sắc bén. Nhưng bất kỳ công cụ nào sắc bén cũng có thể gây nguy hiểm nếu không được kiểm soát tốt. Giống như việc lái xe, sử dụng AI không chỉ cần kỹ năng, mà còn cần hiểu biết về trách nhiệm và khả năng tự kiểm soát.

Người học không chỉ học cách vận hành AI mà cần được dạy về đạo đức sử dụng AI, từ việc không đạo văn, không sử dụng AI để gian lận, đến việc không chia sẻ dữ liệu cá nhân tùy tiện. Các nguyên tắc như minh bạch, có thể giải thích, không thiên vị và lấy con người làm trung tâm cần được đưa vào nội dung giáo dục sớm, thông qua những ví dụ sinh động và gần gũi.

Giáo viên không còn là “nguồn tri thức duy nhất” mà sẽ trở thành người hướng dẫn, người gợi mở tư duy và đồng hành cùng học sinh trong quá trình học hỏi – nơi AI là một phần trong hành trình ấy. Nhưng cũng vì thế, giáo viên cần được đào tạo kỹ lưỡng để hiểu rõ AI, kiểm soát cách sử dụng AI trong lớp học, và có khả năng phân biệt giữa năng lực thật sự của học sinh và sản phẩm được AI “làm hộ”.

Từ những kinh nghiệm thực tiễn và phân tích trong nghiên cứu, có ba nguyên tắc không thể thiếu trong việc đưa AI vào giáo dục: hiệu quả, trách nhiệm và kiểm soát.

Hiệu quả nghĩa là AI phải phục vụ rõ ràng cho mục tiêu giáo dục, giúp người học tiến bộ, chứ không gây sao nhãng hay làm lu mờ năng lực con người. Trách nhiệm nhấn mạnh rằng người sử dụng AI – cả giáo viên lẫn học sinh – cần chịu trách nhiệm về kết quả mình tạo ra, không đổ lỗi cho công nghệ. Còn kiểm soát là yếu tố đảm bảo rằng việc sử dụng AI diễn ra trong khuôn khổ quy định, có hướng dẫn, có phản hồi và có khả năng điều chỉnh khi phát sinh sai lệch.

Chúng ta cần sớm ban hành khung chính sách quốc gia về tích hợp AI vào giáo dục phổ thông, không chỉ tập trung vào đào tạo kiến thức công nghệ, mà bao gồm cả phương pháp, đạo đức, tâm thế và kỹ năng sống cùng AI.

Có một sự khác biệt lớn giữa việc “dạy AI” và “dạy để sống cùng AI”. Dạy AI thường mang tính kỹ thuật: thuật toán, lập trình, mô hình. Nhưng sống cùng AI là một kỹ năng tổng hợp – đòi hỏi tư duy phản biện, giao tiếp, hợp tác, sáng tạo và ý thức trách nhiệm.

Giáo dục phổ thông không nhất thiết phải biến tất cả học sinh thành lập trình viên AI, nhưng cần giúp các em hiểu: AI là một phần của cuộc sống hiện đại, và người làm chủ được AI là người biết sử dụng nó để nâng cao giá trị con người – chứ không đánh mất bản sắc con người.

Như học ngôn ngữ, học AI cũng cần bắt đầu từ việc hiểu đúng – rằng công cụ này không thể thay thế cảm xúc, đạo đức và lựa chọn cá nhân. AI có thể giúp viết một bài văn hay hơn, nhanh hơn – nhưng chỉ con người mới có thể đặt vào đó cảm xúc, trải nghiệm và chính kiến của riêng mình.

Việc đưa AI vào học đường Việt Nam là một cơ hội lớn để nâng cao chất lượng giáo dục, chuẩn bị thế hệ trẻ làm chủ tương lai. Nhưng nếu không cẩn trọng, đây cũng có thể là “con dao hai lưỡi” làm suy giảm năng lực tư duy độc lập và bản lĩnh của người học.

Thành công không nằm ở chỗ có bao nhiêu công cụ được đưa vào lớp học, mà ở chỗ có bao nhiêu học sinh học được cách tư duy, đánh giá và sáng tạo với sự hỗ trợ của AI. Muốn vậy, giáo dục Việt Nam cần một chiến lược dài hơi, một cách tiếp cận mang tính văn hóa, và một quyết tâm đủ mạnh để hành động kịp thời.

Nếu làm tốt, chúng ta không chỉ đào tạo ra những người học giỏi – mà còn nuôi dưỡng những công dân bản lĩnh, sáng tạo và nhân văn – sẵn sàng cùng AI xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho chính mình và cho đất nước.